Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

Giao diện được cải thiện nhưng Android Lollipop bộc lộ nhiều nhược điểm khiến người dùng ngao ngán.


1. Mất chế độ im lặng

Người dùng Android sững sờ khi Google đột nhiên quyết định không cho người dùng điều chỉnh âm lượng bằng phím âm lượng. Trước đây, trong Android KitKat, khi giảm âm lượng xuống mức “0”, điện thoại sẽ chuyển sang chế độ rung và mức tiếp theo là im lặng. Tuy nhiên, trên Android Lollipop, điều này chỉ có thể kích hoạt chế độ rung.

2. Ứng dụng đánh phá chế độ ưu tiên

Không rõ đây là lỗi của Google hay do nhà phát triển đã khai thác được lỗi này trong Lollipop, tuy nhiên nhiều ứng dụng có thể “đánh phá” chế độ ưu tiên và đổ chuông mọi lúc. Chế độ ưu tiên có mục đích tắt tiếng của phần lớn các dịch vụ và chỉ thông báo về cuộc gọi đến, tin nhắn, sự kiện, nhắc nhở; còn tin nhắn WhatsApp, thưởng trong game, cập nhật Google Now đều bị “câm”. Google thay vì cho phép lập trình viên xác định ứng dụng được ưu tiên nhiều hay ít nên trao quyền cho người dùng.

3. Switcher chuyển đổi tác vụ

Nếu đã quen với switcher chuyển đổi tác vụ truyền thống trên Android, bạn có thể “hoa mắt” vì công cụ mới trên Lollipop. Bạn sẽ thấy vô số thẻ của một và nhiều ứng dụng đè lên nhau, không có nút “clear all” và thậm chí chúng vẫn xuất hiện sau khi khởi động lại máy. Vì vậy, bạn phải vuốt từng thẻ một để xóa.

4. Widget màn hình khóa biến mất

Dù không phải tính năng cần phải có, việc đưa widget lên màn khóa đã là một phần không thể thiếu của Android, đó là trước khi Lollipop xuất hiện. Dù màn hình khóa trong Android 5.0 khá tinh tế, những người đã quen xem tình trạng pin, thời tiết, lịch mà không cần mở khóa màn hình sẽ thấy Lollipop thụt lùi. Trong ảnh, bên trái là Nexus 5 chạy KitKat còn bên phải là Lollipop.

5. Quá tập trung vào thiết kế

Nhờ vào Material Design, Google đã làm cuộc cách mạng lớn đối với giao diện Android. Tuy nhiên, nó đi cùng nhược điểm như quá tập trung vào phần nhìn làm ảnh hưởng đến trải nghiệm sử dụng của người dùng. Có thể nhiều người dùng không quan tâm đến vẻ đẹp của hệ thống mà chỉ cảm thấy phiền phức vì một thứ phải thao tác hai lần thay vì một lần như trước đây.

6. Nhiều lỗi bực mình

Không hệ điều hành nào không có lỗi khi mới ra mắt, dù đó là Android hay iOS, tuy nhiên lập trình viên nên cố hết sức để có ít lỗi nhất có thể khi phát hành một phần mềm nào đó cho công chúng. Một điều khá thú vị là cả iOS 8 và Android 5.0 đều gặp vấn đề kết nối Wi-Fi trong những ngày đầu xuất hiện nhưng lỗi này đã được vá trong bản cập nhật 5.0.1 và 5.0.2. Dù vậy, không ít người như ăn phải “trái đắng” vì Lollipop còn vô số lỗi bực mình khác làm hỏng cả trải nghiệm người dùng.

Theo ICTNews

0 nhận xét:

Đăng nhận xét